Bình thơ ngày nhà giáo 20.11

Tiêu chuẩn

Nguyễn Thánh Ngã

HOA TRI ÂN BẬT NỞ

hoa nở 

trò cũ đến thăm 

thơm lừng trang sách

           (Lê Đăng Hoan)

   Đọc bài haiku của nhà thơ – Haijin Lê Đăng Hoan, chợt nhớ cụ Nguyễn Du từng viết:“Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên”, tức nhà giáo đã về hưu rồi. Vì vậy, “hoa nở” ở đây được viết với phong thái “hạ nhàn”. Ta có thể hiểu, nhà giáo đang vui hưởng cảnh thong dong nhàn nhã, sau khi đã cống hiến cả đời trên bục giảng.

   Và những hạt “bụi phấn bay bay” rơi trên tóc thầy, đóa hoa tuổi tác đã nở trắng. Màu trắng của đám mây phiêu lãng, trôi qua dòng sông của “người đưa đò” dày dạn nắng sương, dày dạn kinh nghiệm “trồng người”, khiến ta cúi đầu ngưỡng mộ…

   Hiểu được như vậy, nên “trò cũ đến thăm” là cách thể hiện “tôn sư trọng đạo”. Nét đẹp văn hóa đó, được người đời truyền tụng mãi mãi. Thầy đã dạy dỗ biết bao thế hệ, bao lớp học trò đỗ đạt, đem sức trẻ cống hiến cho đất nước quê hương. Báo đáp ân thầy dạy dỗ, là một trong tứ ân mà người học trò phải biết, phải thực hiện cho “thơm lừng trang sách”…

   Sách ở đây là sách nhân học, sách dạy làm người. Thầy trò mở lòng ra với nhau, người biết ơn, người độ lượng, chính là giềng mối làm nên hạnh phúc của đời người. Hạnh phúc ấy, khiến những đóa hoa lòng thơm thảo bật nở và lan tỏa hương thơm. Đó là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đã được cha ông ta gìn giữ. Lòng chợt buồn, khi biết rằng ngày nay mối quan hệ đó đã bị rạn nứt. Cảnh học trò “đánh thầy”, đối xử vô ơn bạc nghĩa với thầy cô đã từng diễn ra. Và cũng có những thầy cô lợi dụng chức năng nhà giáo, tăng thu nhập quá mức cho phép, làm phiền lòng phụ huynh vv…

   Tuy nhiên, cảnh ấy chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Tất cả chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục nhân văn, chất lượng hơn.

   Xét về ý tưởng, câu thơ:” thơm lừng trang sách”, đã bắt theo mạch trên, nên dù là ba ngắt ý khác nhau trong ba dòng thơ haiku, vẫn thể hiện một mạch văn nhất quán, logic. Thái độ biết ơn thầy hợp với lòng trời, thuận theo lẽ tự nhiên. Và cái gì thuận theo lẽ tự nhiên sẽ đem lại an hòa cho cuộc sống.

   Có thể nói, bài thơ nhỏ bé của nhà giáo Lê Đăng Hoan là một trong những bài thơ hay tiêu biểu, rất đáng trân trọng. Thế mới biết, công năng của thơ đã góp phần giáo dục không nhỏ trong thời đại chúng ta…

                                            N.T.N

THƠ OHAII QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

Tiêu chuẩn

                     THƠ OHAII 

              HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN

Phần I: Ý tưởng

Người sáng lập: Nguyễn Thánh Ngã

Tên gọi chính thức: Ohaii – Ohaii Việt

Nguyên nhân:

– Khách quan: Do tiếp cận với sự du nhập thơ Haiku từ Nhật Bản

– Chủ quan: Cảm thấy cần có một thể thơ mới phù hợp với thời đại mới

– Sâu xa: Lấy cảm hứng từ hai câu thơ tài hoa của Bích Khê trong bài thơ Tỳ Bà: “Ô hay/ buồn vương cây ngô đồng/  Vàng rơi/ vàng rơi/ thu mênh mông…”

Phần II: Hình thành

Thể cách

– Thơ Ohaii gồm hai thể:

 1. Thể phát triển hoàn chỉnh (đã bỏ qua thể nguyên sơ chỉ có hai câu)

 2. Thể tự do tiếp biến (sáng tác tự do dài ngắn không phân biệt, tuy nhiên vẫn giữ một số quy luật cụ thể, để người đọc nhận biết thơ Ohaii biến thể, như mở đầu với hai từ, nhịp rơi, và nhất định phải giữ đúng 5 (năm) câu, tùy cảm xúc có thể tiếp nối như trên thành bao nhiêu cũng được).

Cấu trúc & quy luật

 1/ câu 1 chỉ với 2 từ. Ví dụ : Ô hay, Trời rụng, Chuyện rằng vv…

 2/ câu 2: tự do

 3/ câu 3 – 4 là nhịp rơi. Đây là chỗ độc đáo nhất trong thơ Ohaii mà các thể thơ khác không quy định.

 4/ câu 5: tự do

Bài thơ phải đủ 5 câu, hoặc 5 ngắt ý. Tóm lại là phải có đủ 5 dòng.

Nhịp rơi phải dùng thủ pháp lặp lại, gồm:

 a/ Lặp lại nguyên từ. Ví dụ: vàng rơi/ vàng rơi…

 b/ Lặp lại điệp từ. Ví dụ: mưa mưa/ mưa mưa…

 c/ Đảo từ. Ví dụ: thôi kệ/ kệ thôi…

 d/ Ngắt ý. Ví dụ: mưa úp/ bát…

 e/ Ngắt ý điệp từ. Ví dụ: hơ/ hơ…

 f/ Khoảng không: Khoảng không trong thơ Ohaii do tài năng của người sáng tác, từ đó đánh giá cấp độ đạt được của tác giả khi sử dụng thơ Ohaii.

 g/ Tính ngạc nhiên: Tính ngạc nhiên trong thơ Ohaii cũng do tài năng của người sáng tác.

Phần III: Phát triển

   Ý tưởng bắt đầu từ năm 2001, cho đến ngày 6 tháng 9 năm 2010, bài thơ Ohaii đầu tiên ra đời, đánh dấu bước khởi đầu gọi là ohaii nguyên thể. Đến nay do phát triển về hình thức đã bỏ sử dụng cách cũ, và cách mới đã hoàn chỉnh, được một số bạn bè văn nghệ ủng hộ và sáng tác. Cho đến nay, họ luôn dùng thơ Ohaii bên cạnh những thể thơ khác, sáng tác ca ngợi tình yêu, quê hương đất nước và cuộc sống lao động của con người.

– Ngày kỷ niệm: 6/9

BÀI MẪU

1.

Ô hay, 

Buồn vương cây ngô đồng

Vàng rơi

Vàng rơi

Thu mênh mông…

             (Tỳ Bà – Bích Khê)

2.

Trời rụng,

Đám mây hình cổ tích

Mưa úp

Bát

Bé con đội cặp vở chạy tới trường…

             (Mưa – Nguyễn Thánh Ngã)

3.

Nhân cách


nảy mầm tự trong tâm

đơn giản


giản đơn


mà vĩ đại… 

             (Nhân cách – Dương Thành Thái)

4.

Lô cốt

Ngày xuôi theo vệt nắng

Nền cũ

Nền cũ

Thời gian gió chạm mòn…

         (Lầu ông Hoàng – Trần Hoàng Vy)

5.

Nắng tắt

Bóng hoàng hôn rơi

Về đâu?

Về đâu?

Tài hoa bạc mệnh một cung sầu…

               (Về đâu – Diệp Vy)

6.

Bạn tôi


quê Quảng Bình tim bão


nóng lòng


lòng nóng


mong ngóng mãi tin nhà…


Nơi đó


ba mẹ già, anh chị


ngập chìm


chìm ngập


trong biển nước mênh mông…


Hôm nay


bạn tôi về ngoài ấy


dẫu biết


không thể


xoay chuyển được tình hình…


Cảm thương


lòng người con xa xứ


nguyện cầu

cầu nguyện


mọi người được bình an…


     (Thương quá miền Trung – Lê Thị Ngọc Nữ)

7.

Chuyện rằng


có vị sư tụng niệm trong rừng thẳm


trăn trở

trở trăn


lẽ nào giết ngỗng đổi tuyệt bút tâm kinh?!

Lặng thinh


dẹp bỏ đi ngông cuồng ý định


suy nghĩ


nghĩ suy


thôi thì cứ vậy

Đời mỉa


tham


thôi kệ


kệ thôi


lòng đã dốc sá gì chuyện cỏn con

Họa sĩ


thấu tình thấm từng nét cọ


dọc ngang


ngang dọc


truyền lưu hậu thế bao đời

Tiên thi


cảm kích tấm lòng phóng bút họa tranh


nhân tình thế thái


thế thái nhân tình


kẻ trọng người khinh…

    (Bức tranh đời lập thể – Trần Nhã My)

8.

Thu đi


Đông lạnh về

Ướp


Buốt

Trái tim côi …


*****
Thu tàn


Lá vàng rơi


Lấp vùi

Vùi lấp


Mối tình úa…


*****
Đông về

Gió bấc lạnh


Mỏi mong


Mong mỏi

Trái tim nồng ấm … 

    (Tình mùa đông – Minh Trí)

9.
Paris


Tìm anh nơi chân tháp bóng người

Chỉ thấy


bóng


Không thấy người xưa trở lại…

Em về
Tìm trong ngăn kéo


Hun

Hút bóng


anh nơi đó mà không còn nơi đó…


Làm sao

Cho trái tim bớt lạnh




Một tàn tro bay qua cửa sổ nhà em…


         (Hoang lạnh – Trang Huyền)
 

10.

Lá rơi

Lời phi lộ nghìn thu

Đáy trời chấn động…

          (Bên hồ – Thục Mỹ Ngô Quốc Hùng)

11.

Hạt bụi

Lang thang trong gió

Đường xưa

Đường xưa

Mờ trong trăng…

          (Hạt bụi – Viên Chính)

12.

Hà Nội

Đêm nghe chầm chậm

Tiếng mưa

Tiếng mưa

Hoa sữa đầu cành thánh thót giọt thu…

        (Hà Nội thu – Đăng Trình)

13.

Nếu em

Hoàng hôn chìm

Nơi thành phố tôi ở

Ở tôi phố thành nơi

Xuống những ngọn đèn…

        (Nếu – Hàn Phong Vũ)

14.

Tìm trăng

Em mò hoài ao đục

Ô hay

Ô hay

Trăng giống nụ cười

       (Tìm trăng – Trần Vũ)

…………………………………………………………………………………………………………………………..

     OHAII VIỆT & GIÁ TRỊ SỐNG – NGUYỄN THÁNH NGÃ

   Trong thời đại thông tin bùng nổ, xã hội phát triển kéo theo những hệ lụy mà con người khó lường được hết. Càng ngày, con người càng hứng chịu nhiều stress tập thể, stress đơn thân vv…Nạn kẹt xe đô thị, tệ sống thiếu văn hóa và hám lợi của một bộ phận người đã khiến những người khác cảm thấy khó chịu phải sống chung đụng với sự ô hợp tạo nên stress. Để chịu đựng hình thái xã hội này, chúng ta phải biết rằng xã hội đang trên đà phát triển, ắt phải có sự vùng vẫy của nó. Đớn đau, khổ sở, xót xa là những nỗi niềm con người hiện đại đang tự mang vào thân phận mình, không sao tránh khỏi. Có nhiều giải pháp để đối trị lại trạng thái này, hầu tránh bớt dằn vặt nội tâm gây phiền toái không ít cho chúng ta. Có người chạy trốn hiện tại, có người buông xuôi, có người mơ ước tương lai, thậm chí có người luôn sống với quá khứ đẹp đẽ. Nhưng ít ai biết rằng có một giải pháp dành cho một số người,[ một số, bởi có thể không hợp với nhiều số khác] ấy là, thay vì chạy trốn nó thì hãy chấp nhận và giải tỏa bằng thơ. Thơ có nhiều thể loại, chúng tôi chọn thể loại thơ Ohaii Việt, vừa mới mẻ, vừa thanh thoát, phù hợp với thời đại “sống nhanh”, để chậm lại một giá trị sống hằng hữu trong mỗi chúng ta. Thơ Ohaii là hoàn toàn Việt Nam, mang bản sắc dân tộc Việt Nam, trải qua nhiều năm thể nghiệm đã hoàn chỉnh cho mọi người tham cứu và sáng tác. Thơ chỉ có 5 dòng ngắn ngủi mà sâu sắc, đậm đà, dễ đọc, dễ sáng tác dành cho tất cả mọi tầng lớp từ trí thức, nông dân, tu sĩ, thiền sư, hssv và cả những người buôn bán bận rộn, doanh nghiệp vv…Từ đó thơ sẽ mau chóng giải tỏa những khổ đau, tâm trạng và nâng tầm nghệ thuật lên một góc nhìn mới. Hoàn toàn mới trong mỗi chiêm nghiệm, mỗi cái nhìn của từng giác quan cơ thể. Thơ Ohaii Việt có công năng giải phóng stress, đào sâu tầng suất nghiệm sinh và hài hòa cuộc sống, nó đem lại sự xả stress nhẹ nhàng, kín đáo, đơn sơ mà sâu thẳm mênh mông cho tâm hồn chúng ta tha hồ bơi lội trong khả năng linh nghiệm của nó. Hãy một lần thể nghiệm nó bạn sẽ thấy, không khó cũng không dễ, vì nó hoàn toàn dành cho người sáng tác và người thưởng thức một khoảng không để nhận ra mình, nhận ra giá trị sống mà lâu nay người ta bỏ quên. Thơ Ohaii là vậy, là một ngạc nhiên tinh tế trước mọi sự vật thiên nhiên, là năng lực siêu cảm mới lạ nhất từ trước đến nay chưa hề có. Thơ Ohaii coi trong giá trị của con người đi sâu vào nó, và nó sẽ làm cho bạn bay bổng bởi chính năng lực có thật của bạn. Hãy đọc bài Ohaii này : 

Sống như

Giọt nước rơi trên tảng đá

Nứt/

Nứt

Mặt đá mỉm cười hé lộ một loài hoa…

                    [NTN]. 

Làm thơ Ohaii Việt là đánh dấu thời đại mình đang sống, và hãy sống như bài thơ vô ngại này để mở tâm hồn ra với thế giới ngoại vi…


       THÔNG BÁO “NHỊP RƠI” THƠ OHAII VIỆT


Kính gởi : Đại Gia đình Thơ Ohaii Việt

   Sau chuyến đi thú vị dài ngày, Thơ Ohaii Việt đã đem lý thuyết đi vào đời sống thực tế của thơ. Trong quá trình chuyển hóa từ Đông sang Tây và ngược lại, thơ Ohaii Việt đã nhận ra một “luật tắc” [quy luật & nguyên tắc] rằng, cần phải hoàn thiện thêm một yếu tố có tính sống còn của Ohaii trong việc chuyển tải tư tưởng thi ca.
   Trên bước đường sáng tạo, chúng tôi nhận thấy cần phải thêm vào tính ứng biến cho “nhịp rơi” khỏi bị điệp ý trong một bài thơ không cần điệp ý. Nghĩa là kỹ thuật lặp lại không nhất thiết phải giữ nguyên, mà biến hóa tùy theo văn cảnh, tâm trạng, cảm xúc cho ý tưởng và nhịp điệu được thanh thoát, dung hòa và sâu lắng hơn. Bởi chúng ta hiểu rằng không có quy luật nào vĩnh cữu trong thơ, nó luôn biến thể cho phù hợp. Ví dụ: thơ lục bát có lục bát biến thể, thơ Haiku biến thể từ thơ Tanka hay Waka, thơ Ohaii biến thể từ thơ hai câu mà ra 5 câu có nhịp rơi vv… 

   Và trong thời đại thông tin, không ai có đủ thì giờ để đọc “sự diễn giải dài dòng” và khó hiểu của các loại thơ “hậu hiện đại” làm gì, mà đầu óc năng động bây giờ luôn hướng về loại thơ ngắn, đẹp và sâu sắc, trong đó có thơ Ohaii của chúng ta – một thể thơ mới nhưng có đầy sức quyến rũ…
Chúng tôi đã chỉnh sửa cho phù hợp, và đưa ra cấu trúc và quy luật thống nhất.
Tất cả đồng ý nên đưa “luật tắc” mới vào thể nghiệm. Tiến trình như sau : Thơ Ohaii biến thể, tiếp biến vẫn giữ nguyên màu sắc. Chỉ thêm vào một luật tắc mới, rộng mở cho “nhịp rơi” đủ thoáng để chắp cánh…
Ví dụ cụ thể :
1/ Nhịp rơi là từ láy (luyến láy)
a/ 

Thâu đêm
Cồn cột tiếng vỏ chai
Trằn
Trọc
Chó ngứa răng…
Thay vì trằn trọc/ trằn trọc ( Khó ngủ / thơ Dương Thành Thái)


b/ 

Mùa thu
Nhũng chiếc lá lìa cành
Rơi
Rớt
Xóm bên sông…
Thay vì rơi rớt/ rơi rớt (Thu/ Thu)


c/ 

Chiều buông
Sương ướt mi gầy
Long
Lanh
Giọt nắng rơi từ mắt em…
Thay vì long lanh/ long lanh (Giọt nắng/ thơ Minh Trí)


d/ 

Thanh tịnh
Tai không nghe lời gió
Biết
Đủ
Ấy là buông…
Thay vì nhịp rơi biết đủ / biết đủ…(Buông/ thơ Dương Thành Thái)

Tuy nhiên, có những văn cảnh không nên thay, vì sẽ làm hỏng bài thơ…
Ví dụ a/

Khuya lắc
Sương bạc dưới ánh trăng
Lóc cóc
Lóc cóc
Vó ngựa gõ thủng đêm (Gõ/ thơ DTT)
Nếu sửa là lóc/cóc sẽ mất thơ, phá vỡ nhịp rơi của vó ngựa đêm….


Ví dụ b/ 

Nỗi nhớ
Vẽ bùa lên chiếc lá
Ngoằn ngoèo
Ngoằn ngoèo
Đường về tim

(Vẽ bùa/ thơ Thủy Tiên)
Nếu sửa ngoằn/ ngoèo sẽ không diễn tả hết ngóc ngách của trái tim

2/ Ngắt ý : Nhịp rơi dài từ 3 từ trở lên có thể ngắt làm đôi thay vì lặp lại.

Ví dụ a/ 

Cô đơn
Hòn đá tảng
Chờ anh
Về …

Đập vỡ, đập vỡ cả mùa thu…
Thay vì chờ anh về/chờ anh về (Chờ anh về/ thơ Thủy Tiên)

Ví dụ b/ 

Bơ phờ
Lố nhố đám đàn ông
Chờ gọi
Việc
Thành phố vẫn hào nhoáng…
Thay vì chờ gọi việc/ chờ gọi việc (Chợ người/ thơ DTT)


Ví dụ c/ 

Mỏi mệt
Ta gục, ta gục lên tiền kiếp
Cạn giang
Hồ
Hiện bóng mẹ cặm cụi, cặm cụi lầm than…
Thay vì cạn giang hồ/ cạn giang hồ (Giang hồ/ thơ DDT)


Hoặc trong một bài tiếp biến nên hạ nhiệt câu thơ bằng cách ngắt ý.
Ví dụ d/ 

Mong manh
Lá xanh mượt đơn sơ
Mười giờ
Mười giờ
Em cười tươi sắc nắng
Lung linh
Thắm chẳng kém chị hồng
Từng
Bóng
Đúng hẹn cùng nở rộ…
Thay vì từng bóng/từng bóng…(Hoa mười giờ /thơ Lê Ngọc Nữ)

Đây là bài Ohaii tiếp biến hay :

Giọt sương
Lung linh dưới ánh bình minh
Đọng
Đọng
Giọt thơ trong veo
Thủy ngọc
Đính trên ngọn cỏ màu lục
Ngộ
Ngộ
Chữ thơ long lanh…
(Giọt thơ/ thơ Minh Trí)


3/ Đảo từ: Đảo từ làm cho “thủy hỏa” giằng xé mạnh mẽ hơn [theo Trang Huyen Ngẫu nhiên-Không ngẫu nhiên]
Ví dụ :
Rơi rớt/ rớt rơi
Thương nhớ/ nhớ thương
Vương vấn/ vấn vương vv…
Thơ mẫu :
Thằng bé
Lượm mẫu bánh mì đen
Ngấu nghiến
Nghiến ngấu
Nhai cả bóng đêm giá rét…
Thay vì ngấu nghiến/ ngấu nghiến ( Đứa bé – Thu Thu)


   Đến đây Thơ Ohaii Việt muốn gởi tới quý bạn đang sáng tác thơ Ohaii Việt lời cảm ơn sâu sắc. Nhờ có sáng tác đầy tâm huyết của quý bạn, mà chúng ta và cả mai sau có một thể thơ nữa làm giàu cho văn học đất nước.
Qua thực tế và kinh nghiệm sáng tác của bạn bè khắp nơi, chúng tôi xin thông báo điều chỉnh này có tính lịch sử trong hướng đi của Thơ Ohaii Việt. 

Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc thành đạt!
                                          QN ngày 25/10/2015

………………………………………………………………………………………………………………………………………………..

* Huyền Trang

   NGẪU NHIÊN – KHÔNG NGẪU NHIÊN – OHAII BIẾN THỂ…(*)

Thơ Ohaii là sáng tạo mang tính dung hợp của dân tộc Việt, nói lên sự tiếp nhận có chọn lọc văn hóa Đông Tây, kim cổ. Thủ pháp của Ohaii biến hóa khôn lường. Trong lúc văn học của thế kỷ 21 đang khủng hoảng tìm hướng đi, sự tranh biện về “hậu hiện đại” còn chưa rõ ràng, chưa có hồi kết thúc thì Ohaii xuất hiện. Từ nguyên thể cho đến biến thể, và hoàn chỉnh như hôm nay vẫn mang hồn cốt dân tộc, đậm đà bản sắc Việt. Tuy còn quá mới mẻ, nhưng đã được người yêu thơ, người làm thơ tiếp nhận. Trong tiến trình 5 năm phát triển, đã đem lại nhiều cảm hứng sáng tạo cho người đọc. Qua nghiên cứu, dự định thì có nhiều, nhưng như chúng ta đã biết mỗi dòng thơ đều có số phận riêng của nó, Ohaii không ngoại lệ. Nhưng người sáng lập luôn tin tưởng rằng cái gì chân chính nhất định phải được nhìn nhận một cách chân chính, và phải trải qua sự sàng lọc của thời gian nghiệt ngã, cuối cùng mới hiện ra chân dung chân chính nhất. Ohaii, theo tôi là một thể thơ chân chính, do người Việt Nam sáng tạo bắt nguồn từ cảm hứng cao nhất về thi ca.

   Ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên, thi hào Bích Khê để lại đôi câu thơ bất hủ, được người đời ca ngợi là câu thơ hay nhất Việt Nam vượt mọi thời đại. Từ đó ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên thơ Ohaii ra đời. Như một định mệnh, thơ Ohaii được thể nghiệm giữa dòng thời gian luân chuyển. Suy gẫm tiếp nhận và sáng tạo, thơ Ohaii biến thể ra đời. Tự nhiên ứng hợp với “ngũ hành” kim mộc thủy hỏa thổ. Hành kim là nhịp mở cho hành mộc ra đời. Dao kiếm phát quang lối đi, cây cỏ được kích thích cho sinh sôi nẩy nở, cành nhánh mới có dịp đâm chồi non, nẩy lộc mới. Thủy hỏa là nhịp rơi, xô đẩy nhau làm nên sự tranh biện, càng tranh biện càng đem lại nhiều tri kiến và tìm đến gần chân lý. Càng xung khắc càng tạo ra nhiều ý tưởng mới lạ, từ vật chất cho đến tinh thần đều trở nên mới mẻ một cách lạ thường. Vì vậy, tăng trưởng chính là nhờ hủy diệt, đó là qui luật muôn đời của vũ trụ hằng hữu. Và cuối cùng là hành thổ, tổng kết và dung chứa tất cả làm nên một vòng tròn trọn vẹn. Đất là mẹ của muôn loài, cũng như câu kết là mẹ của bài thơ. Dở hay, xấu đẹp đều do trái đất màu mỡ hay không. Đây là lời kêu gọi đừng tàn phá trái đất! Đừng tàn phá chính là giữ gìn cuộc sống của chúng ta. Ngày nay, người ta có khuynh hướng khai thác cho cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, cũng như bài thơ, người sáng tác bây giờ có khuynh hướng nói cho hết ý tưởng, cho “sướng mồm” rồi thì còn đâu thứ “ngôn ngoại” tuyệt hảo nữa mà thưởng thức. Để rồi coi thường câu kết, nghĩa là sau cùng câu kết không có gì nổi bật, bài thơ hóa dở vì bị khai thác đến cùng tận. Thơ Ohaii nhằm giữ lại tiềm năng giàu có của đất đai bằng “nhịp rơi” xung đột(**), đem lại cho đất mẹ sự sinh hóa năng lượng mà nuôi dưỡng chúng sinh muôn loài.

   Ngẫu nhiên, ngũ hành tạo nên trời đất đã ứng hợp vào 5 dòng Ohaii Việt biến thể là vậy. Từ đó, chúng ta có thể suy ra Ohaii lại cũng ứng hợp vào “ngũ đại” trong kinh Phật, tức đất nước gió lửa và không. Đất là nhịp mở, ví như ta sinh ra, bước đi đầu tiên là chân chạm đất. Đất dưỡng nuôi ta lớn lên thì nước là nguồn mọi sự sống. Nước chiếm 3/4 trái đất tác động vào nhịp rơi của vũ trụ. Nhịp rơi của Ohaii ngẫu nhiên là gió và lửa, cũng như thủy hỏa trong ngũ hành, gió lửa đẩy nhau khiến cho nước tung hoành, tưới tắm cả trần gian, vũ trụ. Do hình thành nên nhiều sông suối, chảy về biển cả bao la, hoa trái đôi bờ sinh sôi phát triển, con người và vạn vật có sinh sôi có hủy diệt. Sinh sôi và hủy diệt là cảm xúc kỳ vĩ của muôn loài trong quy luật sinh tử. Vì thế, nhịp rơi rất quan trọng trong thơ Ohaii, nó thúc đẩy cho cái kết triết học về cái “Không” của ngũ đại. Không trong triết lý Phật giáo, không phải là không có gì cả, mà là có tất cả để rồi không tất cả. Ngũ hành có hành thổ dung hợp tất cả. Ngũ đại có Không dung chứa vũ trụ vô lượng, vô tận…

Có phải chăng, đây là chỗ minh triết của Ohaii [dù người sáng lập chưa bao giờ nghĩ tới…]…

   Ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên chút nào…

                                         QN tháng 7/2015

                                               H.T

………………………………………………………………………………………………………………..                                                

(*) nguồn Ohaii.vn

(**) thủy hỏa tương khắc nhưng cũng tương sanh, tuy hai mà một, gió lửa cũng vậy, nên nhịp rơi tuy hai vế giống mà khác về âm thanh [giai điệu đọc], khác về tính năng. Ví dụ : vàng rơi/ vàng rơi, tuy hình thức giống nhau nhưng âm điệu đọc khác nhau qua hơi thở dài ngắn và vị thế đứng xuống hàng mang tính năng khác hẳn. Chỗ này dễ lầm xin bạn đọc nghiên cứu kỹ {T.H}.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

*Nguyễn Hoàng Dương

      VUI MỪNG TRƯỚC Ý TƯỞNG ĐẦY TÍNH SÁNG TẠO

Sau khi đọc một số bài thơ, và bài viết trình bày những thôi thúc cho sự ra đời thể thơ Ohaii của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã, điều đầu tiên tôi muốn bày tỏ là sự vui mừng trước ý tưởng đầy tính sáng tạo nầy. Theo tôi đây là một sự dâng hiến, một nghĩa cử cao đẹp mà Nguyễn Thánh Ngã dành cho người yêu thơ. Anh đã thao thức trăn trở bao nhiêu năm trời để rồi bây giờ chúng ta được nghe anh thổ lộ…Điều ấy đáng trân trọng biết bao…
   Chúng ta không thể nhân danh điều gì để xua tay chối bỏ, nhưng vội vã tung hô chưa hẳn đã làm cho thể thơ nầy mau chóng thành công.
   Việc làm của anh khiến tôi nhớ đến nhà thơ Lê Đạt với thể thơ Haikâu. Lê Đạt thành công hay không trong việc cách tân thi ca Việt Nam giờ đây chúng ta chưa đủ điều kiện để đánh giá. Điều khiến chúng ta phải nể phục và ngưỡng mộ là tấm lòng và ý chí của ông. Trước khi qua đời, nhìn lại những gì mình đã cống hiến cho thơ ông đã không ngần ngại thốt lên:

Cùng lắm là mất một cuộc đời!
Đời người đáng quí thật nhưng con đường thiên lý của thơ cũng đáng quí không kém. (Đối Thoại Với Đời Và Thơ – Lê Đạt – trang163-NXB Trẻ )

   Lời nói ấy chỉ có thể thốt lên bằng tinh thần của một người dám tử vì đạo.
Những bài Ohaii của Nguyễn Thánh Ngã mà chúng ta thưởng thức chỉ là sự khởi đầu mang tính thể nghiệm, chưa hẳn đó là dấu hiệu minh chứng cho sự thành công hay thất bại của thể thơ nầy. Anh đang cô độc và mời gọi những người bạn đồng hành, đó cũng là tình cảm tốt đẹp mà anh dành cho chúng ta. Cùng lên đường với anh để tìm nguồn thơ mới lạ hay không, điều đó còn tùy thuộc vào mỗi người. Riêng tôi xin thành tâm cầu chúc cho anh sẽ gặt hái những hoa trái từ thể thơ mới lạ nầy!

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………..
                                                                                          

Tiểu luận của Nguyễn Thánh Ngã

             MỘT THỂ THƠ TUYỆT ĐẸP

   Trong các comment vào thơ Ohaii, có một bạn gọi Ohaii là một thể thơ tuyệt đẹp. Tôi lấy làm sung sướng, không phải cho mình, mà cho cái đẹp của thơ. Một phong cảnh tuyệt đẹp, một cánh hoa tuyệt đẹp. Một con người tuyệt đẹp, một nhân cách tuyệt đẹp….Và một thể thơ tuyệt đẹp, đã góp phần làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.
    Vậy thể thơ tuyệt đẹp ấy phải có những bài thơ tuyệt đẹp, những câu thơ tuyệt đẹp. Nhưng Ohaii mới quá…chưa thể nói là có những bài thơ đẹp nhất. Tuy vậy những người góp vốn trên trang Ohaii này cũng có thể nói là có thơ đẹp. Tuyệt đẹp! Tất cả đều thể hiện đúng tinh thần Ohaii là có một thứ ngôn ngoại, mở ra trường liên tưởng bao la…
     Những nhà thơ cải lương cũng có thể có những ý thơ tương tự, nhưng lại diễn đạt “xuống xề” với nhiều kiểu mari sến khác!
   Không hiểu sao thời nay các CLB thơ phát triển lạm phát. Nhưng không sao, có khi nhờ cát mới giấu được vàng. Những nhà thơ bất tài thường dựa dẫm vào cách thể hiện đã cũ mèm, mà không thấy được sự sáng tạo mạnh mẽ trong nhịp thể mới. Đó cũng là điều bình thường. Vì thơ mới luôn hướng tới số đông người đọc hiện đại, đã trang bị vốn tri thức nhát định của thời đại mình. Nói đúng hơn, thơ mới không cần sự làm dáng cho cái rỗng tuếch; mà cảm xúc mau chóng được nâng lên bởi câu chữ dồn nén. Ví như chiếc đĩa có thể chứa hàng vạn bài hát, hàng triệu hình ảnh vv…
     Sự dồn nén sẽ nổ tung hàng loạt thông tin, nếu người đọc mở được chiếc đĩa ấy. Nói như thế, không phải hiểu con người là cái kho chứa , mà là sự tích hợp thông minh. Bởi con người là động vật cao cấp nhất, hiểu được thơ. Nếu nói không ngoa thì văn học, đại diện là thơ, nói lên trình độ phát triển của một đất nước, một châu lục…
   Henry Ford phát biểu : ” Poetry is also God !” ( Thơ cũng huyền diệu như trời !) đã cho thấy thơ có công năng biến đổi con người, cứu vớt thế giới… Và trước thế kỷ mới, thơ đã khẳng định vị thế của mình trong tâm thức con người. Lâu nay người ta vẫn hiểu: “thơ là món ăn tinh thần không thể thiếu”, nhưng trên bàn tiệc trần gian nhiều khi lại ăn phải món ăn quá đát, quá dỏm, hạ thấp khẩu vị của thực khách. Vậy để cho cái không thể thiếu kia, mang đầy đủ ý nghĩa cần thiết của nó, cần lắm một thể thơ tuyệt đẹp về cả nội dung và hình thức.
   Hình thức đẹp một cái đẹp không gò bó.
   Nội dung đẹp một cái đẹp sâu xa…
Lịch sử loài người đã chứng minh, đi tìm cái đẹp là phải đấu tranh. Đấu tranh thoát khỏi cái gò bó, đấu tranh thoát khỏi bức tường định kiến. Vì thế, đẹp gần giống với hạnh phúc !
   Hãy để câu thơ thả một luồng hạnh phúc…
   Ngày nay thơ chấp nhận mọi biểu hiện, mọi yếu tố hiện đại. Nhưng tôi vẫn không chấp nhận thứ thơ dung tục, quá khích, hổ lốn của một số người. Về tài năng mà nói, họ có thừa, nhưng bản thân thơ dung tục đã lạc hậu, không có đôi cánh nào mang nó bay lên nổi. Cả Tề Thiên Đại Thánh cũng chào thua, khi kẹp bên mình một cái xác ô tạp, sao có thể dùng cân đẩu vân ?! Hãy để cho gạo thành cơm và cơm thành rượu. Chứ đừng rêu rao hát chế rằng :”Rượu từ gạo mà ra…”
   Trong một nền thơ văn minh, cần phải chống sến và cần phải chống tục !
Thơ nhất định phải đổi thay để tránh xói mòn, tránh kỳ thị. Thơ là của loài người. Có người còn nói một cách sáng thế rằng thơ có trước loài người. Tôi thì không tin lắm. Nhưng tôi tin có một thứ thơ hay do con người làm ra. Mà mãi mãi muôn đời ta phải nhọc công tìm kiếm. Á Đông quan niệm thơ như người đẹp nên gọi là Nàng thơ. Người đẹp thì quý hiếm và khó gặp! Tôi nghĩ không có gì sai, nhưng tôi không thích quan niệm ấy bị hiểu sai.
      Ngày nay khi đoạt Vương Miện Hoa Hậu, các người đẹp không bao giờ dám lấy một ông chồng nghèo! Vì vậy, vô tình Nàng Thơ thuộc về đặc quyền đặc lợi của giới thượng lưu. Tôi chỉ muốn Nàng thơ phải sống bên người biết lao động cật lực, biết hy sinh cao cả hơn là thừa hưởng mọi thứ đã có.
      Lớp thượng lưu vô hồn, là lớp người lười lao động, chỉ thừa hưởng những gì cha ông họ để lại. Có khi cha làm thầy con đốt sách. Họ xài đến xác chữ cuối cùng trong sự hào nhoáng xa hoa, khiến tiền nhân cũng phải xấu hổ có một lũ con cháu ăn hại!
   Vậy thì hãy lao động và sáng tạo. Lớp người thơ chúng ta hôm nay cần trang bị kiến thức và cần một vốn sống, tư duy…để phát minh ra những cái đẹp, cái tuyệt đẹp ! Đừng để cho cái xấu, cái ác dành chỗ của chúng ta.
     Tự nhiên tôi thấy yêu câu nói bình thường mà đẹp quá rằng câu thơ thả một luồng hạnh phúc !

                                    N.T.N
                                                                                                     

HOA DÃ QUỲ

Tiêu chuẩn

Nguyễn Thánh Ngã

                        HOA DàQUỲ TÂY NGUYÊN

    Có nhiều người viết về hoa dã quỳ, một loài hoa hoang dã của Tây Nguyên. Riêng tôi, sống ở Cao Nguyên từ thuở còn là một cậu học sinh mà chưa viết được chữ nào. Nghĩ cũng tệ thật ! Song không phải thế. Hoa dã quỳ của riêng tôi, tự ngấm vào tôi thì phải chờ đợi cái giây phút “bật nở” của tâm hồn thênh thang nắng gió hoang nguyên, mới bắt được một thứ rung cảm nồng nàn, trọn vẹn nhất trong cái sắc mạ vàng ám ảnh bầu khí hậu của tâm trí tôi.

    Quả có thế. Riêng sắc rực vàng không thôi, thì tôi không đủ ngôn từ để diễn tả rồi. Chỉ biết rằng nó nao nao, xao xuyến một cách lạ kỳ, bâng khuâng bồng bềnh một cách lạ kỳ. Và thương, và gợi bao điều từ mùi thơm hăng hắc hoang sơ. Dã quỳ không biết ai gọi tên từ bao giờ, và nó đến từ đâu tôi không hề để ý, nhưng tôi thích gọi là “dã quỳ hoang” hơn…và chắc chắn nó là một cái gì đó rất hoang dại, rất Tây Nguyên mà nếu thiếu nó sẽ mất đi cái khí sắc miền cao này. Người Tây Nguyên gọi nó là “hoa báo nắng”. Khi dã quỳ nở là dứt mưa, nắng vàng trời hanh lành lạnh, báo hiệu sắp hết năm, Tết đến Xuân về…

Dã quỳ là loài cây phát tán mạnh mẽ, thân lá xanh đậm, vị đắng hắc mà hoa thì nồng ấm ngọt ngào. Nếu dã quỳ không có hoa sẽ chẳng ai nói đến. Hoa dã quỳ đối trị với cái hanh hao, se sắt của tiết trời âm u xám ngắt của mùa đông, khiến nó rực lên giữa cuộc sống hoang dã. Nó như những đóa hoa trời, những nàng tiên của Tây Vương Mẫu rắc xuống quanh sườn núi, đem lại ngọn lửa cho những ngày đông giá. Trẻ con Tây Nguyên, nhất là các nàng sơn nữ thường giắt lên mái tóc lăn quăn, bồng bềnh vài đóa dzã quỳ trang điểm. Một nét đẹp đơn sơ giữa núi rừng, bên bờ suối trong veo róc rách quyện với tiếng hát gọi tình sẽ là hình ảnh đẹp nhất mà thời nay khó bắt gặp. Vì những đặc điểm ấy, mà dã quỳ vô hình trung đã trở thành nỗi nhớ trong tâm thức núi bao la. Nhớ nôn nao, nhớ thao thiết, và nhớ rưng rức cõi lòng người xa núi xa rừng. Sao dã quỳ không nở ra màu gì khác, mà vàng rực thế kia ? Màu như chiếc áo du tăng trải bên đường tĩnh tọa, màu như dải nắng chiều còn sót lại trước hoàng hôn. Màu như ngọn lửa thắp trong lòng những cư dân nghèo khổ, thiếu ăn thiếu mặc…Ôi cái màu cao sang mà dân dã, thứ màu gần gụi với bãi bờ, ruộng nương luôn muốn tôn vinh con người và mặt đất !

    Thử hỏi ai không yêu, không nhớ ?(!)

    Dã quỳ là vậy đó, là tâm trạng, là số phận một vùng đất. Người ta hái lá dã quỳ để tắm ghẻ cho trẻ con, người ta chặt thân cây để ủ mạ, làm phân bón vì một thứ nhiệt lượng ghê gớm tỏa ra từ nó. Và cuối cùng, người ta ngắm nó để cân bằng âm dương, để thấy lòng ấm lại khi những đợt gió bấc thổi về làm se sắt bao nhiêu loài cây khác. Nó là niềm an ủi cho những ai cô đơn và bị ghẻ lạnh. Nó là chiếc áo mặc cho bao ngọn đồi trọc khỏi bị xói mòn khi bước chân du canh du cư vừa đi qua. Ngày nay, nó điểm xuyết cho những villa, biệt thự làm nên những thành phố trong rừng. Đẹp và thơ mộng một cách hoang dã, tự nhiên…

     Nhưng cây dã quỳ cũng như cây đót hoang dại, có nguy cơ bị tuyệt chủng bởi nạn phá rừng tràn lan. Ngày nào Tây Nguyên còn rừng thì còn hoa dã quỳ. Tuy nhiên, sẽ ngày càng ít đi những vạt dã quỳ bạt ngàn vắt ngang những sườn núi, triền đồi Tây Nguyên. Cái đẹp đã bị lấn át một cách bạo liệt ! Nhiều người yêu loài hoa dã quỳ đã lên tiếng cảnh báo. Vì sao vậy ? Vì họ biết hoa dã quỳ là biểu tượng của Tây Nguyên, nếu mất hoa dã quỳ, Tây Nguyên sẽ chẳng còn gì để nói. Một loài hoa đẹp, mạnh mẽ và hoang dại, không mất tiền mua. Nhiều áng văn chương, hội họa, hình ảnh về dã quỳ đã làm đắm say lòng người, thì không lý gì hoa dã quỳ không được bảo vệ. Nó phải được bảo vệ một cách tự nhiên như nó đã từng có, cũng có nghĩa là phải bảo vệ những khu rừng nguyên sinh, những lá phổi của Tây Nguyên.

     Tôi nghĩ, qua những nét đặc thù như vậy, hoa dã quỳ xứng đáng là loài hoa hoang dã bậc nhất, thân thiết với con người Tây Nguyên. Bởi nó là tâm hồn Tây Nguyên, nói gì thì nói, nó vẫn là một trong các loài hoa đẹp nhất Tây Nguyên, không đài các cao sang thì cũng là “Đế vương dân dã”, có thể sánh ngang với nhiều loài hoa kiêu sa trong chậu kiểng nuôi trồng và bán lấy tiền.

      Tây Nguyên mùa đông thiếu hoa dã quỳ, như người nghèo không mặc áo. Thật đáng thương và tội nghiệp. Cũng may, đó chỉ là những dự báo trước cảnh tàn sát rừng dã man của những người kém hiểu biết. Tây Nguyên vẫn còn đầy hoa dã quỳ hoang dại, làm nức lòng bao du khách ghé thăm và ghi lại những kỷ niệm sâu sắc…

                                                                             N.T.N

Lục bát

Tiêu chuẩn

Nguyễn Thánh Ngã

Bài 1.

TIẾNG MẸ

Tiếng mẹ là tiếng gọi cha

Đẻ đau, mang nặng, xót xa ân tình

Tiếng mẹ là tiếng tử sinh

Thuở vua dựng nước thuở hình thành non

Tiếng mẹ là tiếng sắt son

Ru con nguồn mạch tâm hồn chứa chan

Tiếng mẹ là tiếng nồng nàn

Miếng trầu đỏ thắm cõi trần diệu thâm

Tiếng mẹ là tiếng Việt Nam

Nghĩa nhân, tha thiết, bổng trầm tin yêu

Tiếng mẹ lệ thắm câu Kiều

Dạy con no đói sớm chiều có nhau

Tiếng mẹ quả ớt ngọn rau

Củ khoai, hạt gạo khổ đau chung nồi

Tiếng mẹ là tiếng nằm nôi

Chắt chiu dành dụm nghìn đời sáng trong

Tiếng mẹ là tiếng núi sông

Bùn nâu gốc rạ, một dòng sữa thơm

Tiếng mẹ vại nước, cây rơm

Là nhụy sen nở vàng ươm ngọt ngào

Tiếng mẹ là tiếng đồng bào

Là tiếng Tổ quốc rì rào biển xa

Tiếng mẹ thao thức canh gà

Sương khuya lưới nhện trái cà dầm tương

Tiếng mẹ là tiếng yêu thương

Ruột rà, cốt lõi, máu xương mà thành

Tiếng mẹ ngọn cỏ vươn xanh

Từ trong đất nước ngọn ngành mà nên

Tiếng mẹ là tiếng cơ duyên

Dáng hình tia chớp, mũi thuyền phong ba

Tiếng mẹ là ánh trăng tà

Soi trong bùn đất, sương sa hạt mầm

Tiếng mẹ là tiếng huyền âm

Đàn bầu sáo trúc lời thăm thẳm lời…

Tiếng mẹ là tiếng ầu ơi !

Ru con trọn giấc mơ đời phân vân

Tiếng mẹ nết ở, cái ăn

Phận bùn phận lúa, mùa trăn trở mùa

Tiếng mẹ trong nắng trong mưa

Cây đa chim sáo, dạ thưa giếng làng

Tiếng mẹ đùm bọc, cưu mang

Áo nâu vạt áo, thênh thang cội nguồn

Tiếng mẹ từ lúc gọi con

Đã vuông mặt đất, đã tròn thanh âm…

thơ Ohaii của ĐĂNG TRÌNH

Tiêu chuẩn

THƠ OHAII – ĐĂNG TRÌNH

DU DU

Con sóng
không biết từ bao lâu
đùa nhau
đùa nhau
vỗ đến bạc đầu vẫn vỗ…

Con chim
thi nhau tiếng hót
biết đâu
đâu biết
hao gầy tâm can còn hót…

Người đời
tranh khoe những cái hồng trần
lợi danh
danh lợi
nửa mùa hoang phế nào hay…

Một ngày
miền xưa phai sắc nắng
đâu đây
đâu đây
những giọt nước vô thường…
Đ.T